Kế hoạch triển khai chương trình năm 2021

Kế hoạch triển khai chương trình năm 2021
KẾ HOẠCH
Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã
một sản phẩm (OCOP) năm 2021 trên địa bàn huyện

Thực hiện Công văn số 1100/BNN-VPĐP ngày 24/2/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tiếp tục thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trong năm 2021;
Thực hiện Quyết định số 34/QĐ-UBND ngày 23/01/2019 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030; Công văn số 794/VP-NL ngày 03/3/2021 của Văn phòng UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2021;
Ủy ban nhân dân huyện ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021 trên địa bàn huyện, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai đồng bộ, huy động các nguồn lực xã hội góp phần thực hiện Đề án “Chương trình mỗi xã một sả phẩm” tỉnh Gia Lai nói chung và “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn huyện Chư Pưh nói riêng.
- Phát triển sản phẩm: hỗ trợ hoàn hiện, nâng cấp các sản phẩm đã đạt 03 sao năm 2020 (nếu đủ điều kiện) và 10 sản phẩm mới tham gia chu trình OCOP, trong đó có ít nhất 08 sản phẩm tham năm 2021 đạt từ 3 sao OCOP cấp tỉnh trở lên.
- Đào tạo nhân lực: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý huyện, xã và 100% chủ thể sản xuất (doanh nghiệp, HTX, THT, hộ sản xuất) tham gia OCOP đủ năng lực quản lý, vận hành hệ thống tổ chức bộ máy, sản xuất, hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ chất lượng về chuẩn hóa sản phẩm và hồ sơ dự thi, có kỹ năng về quảng bá, tiếp thị và bán hàng.
- Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ; xây dựng và quản lý có hiệu quả nhãn hiệu hàng hóa.
- Tập trung các giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Tiếp tục tổ chức Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021 theo quy định.
2. Yêu cầu
- Các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, thị trấn coi đây là Chương trình phát triển kinh tế quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư; tiếp tục hỗ trợ các hoạt động tuyền thông, quảng bá, xúc tiến thương mại trong Chương trình OCOP; hướng dẫn các chủ thể OCOP có giải pháp để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và sở hữu trí tuệ... đáp ứng các quy định của pháp luật.
- Các chủ thể sản xuất sản phẩm bám sát quan điểm, mục tiêu của Chương trình OCOP và thực tế tại địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện;
- Khuyến khích phát huy tối đa vai trò chủ động, sáng tạo của người dân trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của địa phương.
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền Chương trình OCOP
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông quảng bá thường xuyên, đa dạng về hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng từ huyện đến cơ sở; trang thông tin của huyện, Website OCOP huyện, bản tin, chuyên đề, câu chuyện gắn với hình ảnh… như tờ rơi, Pano, phóng sự truyền thanh, truyền hình...
- Các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn lồng ghép hoạt động của cơ quan, đơn vị để thực hiện tuyên truyền các nội dung, hoạt động về Chương trình OCOP.
2. Tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP cấp huyện, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất năm 2021
2.1. Tập huấn, Hướng dẫn các quy trình: đăng ký xây dựng mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; hồ sơ về chứng nhận sở hữu trí tuệ; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; chuẩn hóa nhãn hiệu sản phẩm và chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo quy định hiện hành; qui chuẩn, qui trình sản xuất để nâng cấp sản phẩm 03 sao lên 04 sao:
- Tổ chức 01 Hội nghị tập huấn tại huyện. 
- Thành phần và số lượng: lãnh đạo, chuyên viên một số cơ quan, đơn vị chuyên môn cấp huyện; lãnh đạo và công chức phụ trách địa chính nông nghiệp cấp xã; các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ sản xuất đăng ký tham gia Chương trình OCOP và các chủ thể có sản phẩm tiềm năng tham gia thực hiện trong chương OCOP trên địa bàn. Số lượng dự kiến 45-50 người.
- Thời gian: tháng 6- 7/2021.
2.2. Tập huấn chuyên môn cho cán bộ cấp xã triển khai Chương trình  OCOP: quy trình, các bước thực hiện nội dung Chương trình cho cán bộ quản lý và chủ thể tham gia Chương trình; Bộ tiêu chí OCOP tại Quyết định 1048/QĐ-TTg, Quyết định 781/QĐ-TTg, công tác quản lý và cách thức tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện...
- Tổ chức 01 Hội nghị tập huấn tại huyện. 
- Thành phần và số lượng: lãnh đạo, chuyên viên một số cơ quan, đơn vị chuyên môn cấp huyện; lãnh đạo UBND, Hội nông dân, Đoàn thanh niên cấp xã và công chức phụ trách địa chính nông nghiệp cấp xã; Số lượng dự kiến 40-45 người.
- Thời gian: tháng 6- 7/2021.
3. Triển khai, hướng dẫn đăng ký phát triển sản phẩm, cho các tổ chức doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm (Chu trình OCOP thường niên) năm 2021
3.1. Hướng dẫn, hỗ trợ sản phẩm có sẵn tham gia đăng ký ý tưởng sản phẩm, đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP
- Nội dung: Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức hướng dẫn các tổ chức doanh nghiệp, HTX, các hộ kinh doanh đăng ký sản phẩm có đủ điều kiện tham gia Chương trình.
- Thời gian: tháng 6- 7/2021.
3.2. Tổ chức triển khai lựa chọn tiếp nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm OCOP năm 2021
- Trên cơ sở sản xuất chủ động đề xuất và đăng ký tham gia, thực hiện theo nhu cầu và khả năng thực tế. Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện và UBND các xã, thị trấn tiếp nhận phiếu đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình năm 2021 của các chủ thể có sản phẩm, xem xét, hướng dẫn, hoàn thiện;
- Lựa chọn các phiếu/sản phẩm khả thi, đầy đủ thông tin, lập danh sách (phiếu đăng ký), hướng dẫn hoàn thiện các hồ sơ kèm theo để chuẩn bị tổ chức họp xét đánh giá, phân hạng cấp huyện theo quy định.
- Thời gian: tháng 7-8/2021
3.3. Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021
- Xây dựng kế hoạch tổ chức đánh giá và thông báo đến các chủ thể sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021; ban hành Quy chế đánh giá, tổ chức đánh giá cấp huyện.
- Thời gian đánh giá cấp huyện: Dự kiến cuối tháng 9/2021.
4. Xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm
- Nội dung: Hỗ trợ xúc tiến thương mai cho các sản phẩm đã đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên (12 sản phẩm năm 2020 và các sản phẩm năm 2021) nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy phát triển kinh tế.
- Thực hiện: Phòng Kinh tế - Hạ tầng chủ trì phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch quảng bá, tham gia xúc tiến thương mại các sản phẩm  OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện trong và ngoài tỉnh; thông qua các hệ thống Siêu thị, Trung tâm thương mại, điểm, cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các điểm du lịch; Website sản phẩm OCOP tỉnh, trang điện tử OCOP huyện.
5. Xây dựng phương án triển khai hỗ trợ các sản phẩm năm 2021
Hỗ trợ các hạng mục đối với sản phẩm đã đạt 03 cấp tỉnh theo chu kỳ và các sản phẩm mới tham gia chu trình OCOP năm 2021 đạt sao cấp tỉnh sau khi được cấp có thẩm quyền phân bổ nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Nguồn ngân sách huyện (cấp bổ sung): 120 triệu đồng để thực hiện, gồm: hoạt động thông tin, tuyên truyền; Tập huấn Chương trình OCOP; triển khai, hướng dẫn đăng ký phát triển sản phẩm và công tác Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm.
- Đối nguồn ngân sách Trung ương sau khi được cấp có thẩm quyền phân bổ sẽ xây dựng kế hoạch, dự toán chi tiết để thực hiện.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện (Cơ quan thường trực) cấp huyện
- Điều phối các hoạt động triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn huyện; theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện và tham mưu cho BCĐ, UBND huyện các biện pháp triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả.
- Hỗ trợ, hướng dẫn các xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất tham gia và triển khai thực hiện kế hoạch Chương trình OCOP năm 2021 trên địa bàn huyện.
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị sản xuất hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường. Tham mưu tổ chức các kỳ đánh giá, phân hạng sản phẩm theo quy định.
- Phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân huyện về việc sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch.
- Phối hợp kiểm tra, giám sát, hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ chức quản lý sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.
- Định kỳ thực hiện chế độ thông tin, báo cáo 6 tháng, báo cáo năm, sơ kết công tác thực hiện Chương trình và đề ra nhiệm vụ cho năm tiếp theo.
2. Phòng Kinh tế - Hạ tầng
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đối với các sản phẩm thuộc Bộ Công thương quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường.
- Hướng dẫn các tổ chức kinh tế phát triển, đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ; đăng ký mã số, mã vạch; hướng dẫn ghi nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình thiết kế, chuẩn hóa sản phẩm; xây dựng, quản lý nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm hàng hóa...; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
- Tổng hợp, đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP.
- Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, UBND cấp xã để lựa chọn, hỗ trợ các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; tham gia Hội chợ Chương trình OCOP thường niên tỉnh Gia Lai; thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến công; tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn huyện, trong và ngoài tỉnh để quảng bá, kết nối và tiêu thụ sản.
- Chủ trì phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị có liên quan tham mưu UBND huyện phát triển, xây dựng trang thương mại điện tử từ trang OCOP huyện.
3. Phòng Tài chính - Kế hoạch:
- Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, bố trí nguồn kinh phí từ vốn sự nghiệp Chương trình MTQG XD NTM năm 2021 và nguồn ngân sách huyện để tổ chức triển khai thực hiện.  Hướng dẫn, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình OCOP.
4. Phòng Văn hóa - Thông tin
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các xã, thị trấn, các đơn vị sản xuất thực hiện các nội dung phát triển, quảng bá các sản phẩm OCOP, gắn với du lịch nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh địa phương, với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Lồng ghép các hoạt động của ngành với việc thực hiện phát triển sản phẩm của Chương trình.
5. Phòng Tài nguyên - Môi trường
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sản phẩm OCOP; hướng dẫn các thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định. Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực môi trường.
6. Phòng Y tế
Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị sản xuất hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đối với các sản phẩm thuộc Bộ Y tế quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường. Lồng ghép các các hoạt động của ngành với kiểm tra, giám sát các sản phẩm của Chương trình.
7. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp
- Tham mưu UBND huyện chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện các chương trình khuyến nông phát triển các sản phẩm mới có tiềm năng, lợi thế địa phương, phát huy được công nghệ truyền thống, bản sắc văn hóa của huyện phục vụ Chương trình OCOP.
- Triển khai, phối hợp khuyến khích các chủ thể thực hiện áp dụng các qui chuẩn, tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp hữu cơ và các tiêu chuẩn như: HACCP, ISO, GlobalGAP, VietGAP, Organic…để nâng cao chất lượng sản phẩm về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
8. Trung tâm Văn hóa - TT&TT: Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP trên địa huyện để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất, kinh doanh thấy được lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi thực hiện Chương trình OCOP; xây dựng chuyên mục, chuyên đề về Chương trình OCOP của huyện; đăng tải các tin bài, nêu gương tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện Chương trình OCOP.
9. Các phòng ban, đơn vị huyện: Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của ngành, đơn vị thực hiện lồng ghép các kế hoạch, hoạt động để tổ chức thực hiện Chương trình đảm bảo thiết thực, hiệu quả góp phần sản xuất các sản phẩm lợi thế của địa phương để nâng cao thu nhập cho các tổ chức kinh tế và người dân trên địa bàn.
10. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể huyện: tăng cường các hạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện Chương trình OCOP, chủ động tổ chức các hoạt động tham gia vào sản xuất, sản phẩm theo chuỗi giá trị hình thành trong quá trình thực hiện Chương trình.
11. UBND các xã, thị trấn
- Căn cứ vào Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021 trên địa bàn huyện, từng địa phương căn cứ vào điều kiện, thế mạnh sản phẩm để xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, ưu tiên phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực, có lợi thế và định kỳ tổ chức đánh giá, xếp loại loại sản phẩm cấp xã để chọn sản phẩm dự thi đánh giá cấp huyện, cấp tỉnh.
- Phân công, chỉ đạo 01 cán bộ phụ trách lĩnh vực nông lâm nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn cho các chủ thể sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
- Tăng cường, tuyên truyền, phát động, khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ gia đình tham gia Chương trình OCOP; tổ chức rà soát thực trạng phát triển ngành nghề tại địa phương, có định hướng và giải pháp cụ thể gắn phát triển ngành nghề với triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn; thực hiện quy hoạch và triển khai kế hoạch sử dụng đất hiệu quả đối với việc phát triển vùng, quy hoạch gắn với tích tụ đất đai để sản xuất sản phẩm hàng hóa tập trung; hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh, thành lập Doanh nghiệp, HTX hoặc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các chủ thể tham gia Chương trình OCOP; đồng thời triển khai tuyên truyền các chính sách hỗ trợ liên quan Chương trình OCOP.
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai Chương trình OCOP trên địa bànl thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất về UBND huyện (qua Phòng Nôngn ghiệp và PTNT) để tổng hợp.
12. Các chủ thể (doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất)
- Tổ chức sản xuất và phát triển các sản phẩm OCOP gắn với trồng và chế biến nguyên liệu theo chuỗi giá trị đảm bảo tiêu thụ được nhiều sản phẩm nông nghiệp cho các thành viên và nhân dân trên địa bàn, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo cho cộng đồng, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống phân phối sản phẩm OCOP, chủ động các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức (hệ thống đại lý phân phối, thương mại điện tử, tham gia hội chợ, ký gửi; tham gia, xây dựng các điểm bán hàng,...) đẩy mạnh tiêu thụ, tăng doanh thu sản phẩm.
- Huy động các nguồn lực để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng (máy móc thiết bị, nhà xưởng,...) có đủ năng lực, quy trình sản xuất các sản phẩm OCOP ở quy mô trung bình trở lên. Chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo theo yêu cầu các tiêu chí sản phẩm OCOP; Tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến các sản phẩm OCOP theo quy định hiện hành.
- Lựa chọn các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng thể hiện tính chất phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng để tham gia Chương trình năm 2021 và các năm tiếp theo, chủ động đăng ký tham gia Chương trình OCOP, qua hệ thống từ cấp xã đến huyện (đầu mối tại: Ủy ban nhân dân cấp xã; tại huyện: Phòng nông nghiệp và PTNT) để được hướng dẫn thực hiện.
Trên đây là Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021 trên địa bàn huyện. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị; UBND các xã, thị trấn triển khai, thực hiện./.
 
 Nơi nhận:
- Sở NN & PTNT (VP ĐP NTM tỉnh);
- TT Huyện ủy (b/c);

- TT HĐND huyện (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND huyện;
- Thành viên BCĐ các CTMTQG huyện;
- UBMT TQVN và các Đoàn thể huyện;

- Các cơ quan, đơn vị thuộc huyện;
- UBND các xã, thị trấn;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Lưu: VT, KT, NL.
T.M ỦY BAN NHÂN DÂN